ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHOA CÔNG NGHỆ HÓA HỌC
Chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Hóa phân tích 2019
08/12/2019

1. THÔNG TIN CHUNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

1.1. Giới thiệu về chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo là hệ thống các môn học thể hiện mục tiêu đào tạo, quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phẩm chất đạo đức (thái độ), phạm vi và cấu trúc nội dung đào tạo, phương pháp và hình thức đào tạo, cách thức đánh giá kết quả đào tạo đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo của bậc đào tạo.

Chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành Hóa phân tích được thiết kế nhằm đào tạo học viên toàn diện cả về kiến thức chuyên sâu, kỹ năng và phẩm chất đạo đức, trong đó nhấn mạnh năng lực thực hành và ý thức trách nhiệm xã hội, đảm bảo cho học viên được học tập chủ động và trải nghiệm thực tiễn. Học viên tốt nghiệp đáp ứng được các yều cầu về kiến thức, trình độ năng lực chuyên môn của nhà tuyển dụng, xã hội.

Chương trình đào tạo được thiết kế trên cơ sở tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Bộ giáo dục và Đào tạo, của Trường Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh; phù hợp định hướng phát triển kinh tế, công nghiệp, nhu cầu nguồn nhân lực, thị trường lao động của Địa phương, của vùng Kinh tế; tham khảo các tiêu chuẩn về đảm bảo chất lượng của quốc gia (Bộ GDĐT)và quốc tế (AUN-QA; ABET); tham khảo và đối sánh với các chương trình của các Trường Đại học khác ở trong nước và quốc tế.

Chương trình đào tạo cũng được xem tương đương, phù hợp với các chương trình đào tạo của các Trường Đại học quốc tế. Học viên tốt nghiệp được chấp nhận tiếp tục học tập, nghiên cứu tại các Trường Đại học lớn trên thế giới như: Đại học Thammasat, Chulalongkorn – Thái Lan; Đại học Pahang – Malaysia; Đại học Sungkyunkwan, Kyung Hee, Changwon – Hàn Quốc; Đại học Đài Bắc, Trung Nguyên – Đài Loan,…

1.2. Thông tin chung về chương trình đào tạo

  • Tên ngành đào tạo:

+ Tiếng Việt: Hóa phân tích

+ Tiếng Anh: Analytical Chemistry

  • Mã số ngành đào tạo: 8440118
  • Trình độ đào tạo: Thạc sĩ
  • Thời gian đào tạo: 02 năm – 04 học kỳ
  • Tên văn bằng sau tốt nghiệp:

+ Tiếng Việt: Thạc sĩ Hóa phân tích

+ Tiếng Anh: The Degree of Master Analytical Chemistry

  • Đơn vị cấp bằng: Trường Đại học Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

2. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

Mục tiêu của chương trình đào tạo được xây dựng phù hợp với Tần nhìn – Sứ mạng – Mục tiêu chiến lược và triết lý giáo dục của Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM; tương thích, phù hợp với Tầm nhìn – Sứ mạng của khoa Công nghệ Hóa học, nhằm bồi dưỡng con người và phát triển nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng đáp ứng các nhu cầu xã hội.

   Mục tiêu chung: chương trình thạc sĩ Hóa phân tích đào tạo học viên có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân.

   Mục tiêu cụ thể: sau khi hoàn thành chương trình thạc sỹ Hóa phân tích và làm việc một thời gian, học viên thể hiện được

PEO1 – Khả năng phát huy và sử dụng hiệu quả kiến thức khoa học nền tảng, kiến thức lý thuyết chuyên sâu và các kiến thức thực tế để giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực hóa phân tích phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi công tác; bổ sung, cập nhật và nâng cao kiến thức mới, hiện đại về phương pháp và thiết bị thử nghiệm.

PEO2 – Khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu, thông tin một cách khoa học và tiên tiến để giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực Hóa phân tích; tổ chức thực hiện và quản lý các công việc phức tạp trong hoạt động chuyên môn ngành Hóa phân tích và liên ngành;

PEO3 – Kỹ năng chuyên sâu trong nghiên cứu, thiết kế thử nghiệm, giải quyết các vấn đề thực tế phân tích và kiểm nghiệm, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và thực hiện hiệu quả các hoạt động nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực hóa phân tích;

PEO4 – Khả năng phản biện, làm việc độc lập, sáng tạo, phát hiện, giải quyết các vấn đề; năng lực tự nghiên cứu, đưa ra cải tiến và sáng kiến trong thực tiễn; tự thích nghi, tự định hướng cho bản thân và hướng dẫn người khác thông qua hoạt động chuyên môn trong ngành Hóa phân tích; và tiếp tục học ở trình độ tiến sĩ.

3. CHUẨN ĐẦU RA

Học viên khi tốt nghiệp chương trình thạc sĩ Hóa phân tích có thể:

ELO1 – Tổng hợp được những kiến thức thực tế, kiến thức lý thuyết chuyên sâu, tiên tiến để thảo luận, truyền đạt chuyên môn và đưa ra giải pháp xử lý các vấn đề trong lĩnh vực Hóa phân tích;

ELO2 – Chọn lọc được các kiến thức về quản lý và kiến thức liên ngành để tổ chức thực hiện và cải tiến chất lượng, quy trình thử nghiệm trong lĩnh vực Hóa phân tích;

ELO3 – Thẩm định, phát triển các quy trình phân tích dựa trên việc phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu nhằm đảm bảo độ chính xác của kết quả hoặc đưa ra những sáng kiến, kết luận chuyên sâu trong lĩnh vực Hóa phân tích;

ELO4 – Quản lý, định hướng, hướng dẫn, trao đổi và điều hành hiệu quả các hoạt động phòng thí nghiệm ngành Hóa phân tích và liên ngành;

ELO5 – Tổ chức nghiên cứu, triển khai các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp;

ELO6 – Truyền đạt và phản biện các vấn đề chuyên môn và khoa học hiệu quả nhằmđưa ra các kết quả quan trọng có tính chuyên gia;

ELO7 – Thể hiện đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm với cộng đồng trong các hoạt động chuyên môn./.

4. VỊ TRÍ VIỆC LÀM

Thạc sĩ ngành Hóa phân tích có thể làm việc trong công ty, nhà máy, cơ quan thuộc các lĩnh vực:

  • Công tác trong các Trung tâm dịch vụ về Phân tích;
  • Công tác trong các cơ quan nhà nước có liên quan đến ngành Hoá Phân tích như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Khoa học Công nghệ, …
  • Công tác trong các phòng nghiên cứu và phát triển phương pháp;
  • Nghiên cứu viên các trung tâm nghiên cứu;
  • Kiểm tra xuất nhập cảnh hàng hoá hải quan;
  • Giảng dạy trong các trường Đại học, Cao đẳng;
  • Quản lý phòng QA, QC các công ty sản xuất.
 
Đơn vị liên kết